Phong cách Công nghiệp 

Không biết là sau 2 bài viết về 2 phong cách thiết kế nội thất thì các độc giả của Vietlanders có cảm nhận như thế nào nhỉ. Riêng Vietlanders thì rất nóng lòng muốn được tiếp tục đem đến cho các  bạn những thông tin tiếp theo về một phong cách khác, mới lạ và độc nhất vô nhị. 

Phong cách thiết kế Công nghiệp là một trong những kiểu thiết kế đang vô cùng được ưa thích của người yêu nghệ thuật kiến trúc với khả năng đạt được sự cân bằng thẩm mỹ. Nó đồng thời vừa cơ động và tự nhiên, vừa táo bạo mà lại cũng thật tinh tế.

Ngay từ tên gọi của mình, phong cách Công nghiệp (Industrial Style) hay Công xưởng (Loft Style) đã ngay lập tức thể hiện bản thân là một sự mô phỏng thú vị của những nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất… vào không gian nhà ở, quán xá nói riêng. Với tinh thần mạnh mẽ, thực dụng và hết sức khác biệt, phong cách mới này đã tạo nên “cơn sốt” trong làng thiết kế nội thất từ hơn một thập kỷ trở lại đây.

Phong cách Công nghiệp

Không nhiều người rõ nguồn gốc của phong cách thiết kế này. Phần lớn cho rằng nó được phát triển vào đầu thế kỷ 20. Trước khi cuộc cải cách công nghiệp lần thứ hai kết thúc, thế giới bắt đầu xu hướng dịch chuyển theo hướng toàn cầu hóa.

Các nhà máy tại Tây Âu bị đóng cửa hàng loạt và buộc phải chuyển xưởng sản xuất tới những quốc gia thứ ba do có chi phí thuê lao động thấp. Do đó, những tòa nhà này nhanh chóng bị bỏ hoang.

Tuy nhiên những tòa nhà rộng lớn này hoàn toàn có thể được cải tạo thành một khu dân cư tuy không thể coi là hiện đại và tiện nghi nhưng vẫn hoàn toàn không tệ một chút nào đối với những người không có nhà cửa.

Industrial Style

Qua thời gian, dân số tại các thành phố càng ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt, chẳng mấy chốc đã bành trướng khiến diện tích sinh sống trở nên khan hiếm. Giải pháp chuyển đổi các khu công nghiệp thành những khu dân cư hình thành từ đó. Nhưng thay vì che đi quá khứ của những ngôi nhà này, kiến trúc sư và người dân thường muốn tôn vinh chúng.

Tường để trần, sàn thô ráp và cửa sổ kính lớn là những dấu hiệu tiêu biểu còn sót lại từ thời tòa nhà còn là nhà máy. Đây cũng là các yếu tố tràn ngập mà ta có thể bắt gặp ở trong bất cứ thiết kế nội thất Công nghiệp nào.

Vài nét về phong cách Công nghiệp

Mỗi phong cách thiết kế nội thất đều có các yếu tố chủ đạo cụ thể riêng biệt. Ví dụ như phong cách Scandinavian thì phô diễn màu sắc sáng sủa tươi mới và vật liệu tự nhiên. Hay, phong cách Tân cổ điểnVietlanders đã có dịp giới thiệu thì lại tập trung vào nét uy nghiêm và sang trọng như màu vàng ánh kim hay màu trắng tinh khiết. Phong cách Công nghiệp, khác với tất cả, chọn cho mình một hướng đi riêng bằng cách tập trung tạo điểm nhấn từ các chi tiết đơn giản đến mức tối thiểu để lộ ra những nguyên liệu thô, kết cấu bên trong ít được che đậy mà thay vào đó được phô bày trực tiếp và mạnh mẽ.

Phá cách và trẻ trung

Ở phong cách thiết kế này, yếu tố “cá tính” được đặt lên hàng đầu. Thế nên, dù có phơi bày hết mọi vẻ đẹp chân thực của vật liệu và các thành tố cấu thành không gian nhưng phong cách này lại không có khuôn mẫu cố định nào cho cách thức tiến hành. Tất cả tùy thuộc vào các đặc điểm sẵn có của từng công trình cụ thể, tính cách gia chủ và sự sáng tạo của người thiết kế.

Những tác phẩm nghệ thuật nên được nhấn mạnh trong không gian này. Có thể là tác phẩm điêu khắc, thậm chí biển báo giao thông cũ hay thậm chí là những thứ mà bạn có thể tìm thấy ở những bãi phế liệu.

Kể cả nếu bạn không chắc chắn vào sự lựa chọn của mình thì những bức tranh đen trắng đơn giản, khung tranh hiện đại, thảm khổ rộng sẽ giúp bạn ghi điểm ở tất cả các không gian.

Hiện đại và nổi bật

Cũng từ tinh thần nhà xưởng, nơi vốn yêu cầu cao về sự thuận tiện, nhanh chóng trong bảo trì, sửa chữa nên mọi hệ thống kỹ thuật như điện, nước… hầu như đều được chủ ý xây dựng nổi thay vì chìm như các kết cấu kiến trúc thông thường.

Cùng với hệ thống ống dẫn kỹ thuật, kết cấu các dầm, đã trở thành điểm nhấn cho trần nhà. Chiếu sáng theo lối công nghiệp được ưu tiên lựa chọn cùng các vật liệu chủ đạo như tường gạch trần, sàn xi măng, gỗ thô hoặc gỗ tái sử dụng, kim loại, và bê tông trần là những hình ảnh quen thuộc thường thấy ở hướng thiết kế này.

Kỳ bí và thu hút

Bên cạnh đó, gam màu tối, vẻ nam tính và độc lạ trở thành đặc điểm nhận diện của những không gian nội thất mang phong cách Industrial. Gỗ cũ, kim loại sơn đen, hiệu ứng sáng – tối rõ nét giữa các khu vực trong công trình và vật dụng có hình khối chắc khỏe thường được áp dụng triệt để.

Sự thu hút của phong cách này chính nằm ở những điểm chưa hoàn hảo, nội thất còn thô mộc, đem tới một cảm giác mang đậm sự cứng cáp và chắc chắn, để lại ấn tượng ngay chỉ khi bạn mới bước vào căn phòng.

Đơn giản và sang trọng

Phong cách thiết kế nội thất Công nghiệp không đòi hỏi quá nhiều các tiểu xảo thẩm mỹ cầu kỳ. Chúng phần lớn dành nhiều sự chú ý tới cấu trúc nguyên bản của gần như mọi thứ, bao gồm các bức tường để trần.

Những viên gạch đỏ thẫm như điểm thêm màu sắc cho nội thất và tạo ra không khí ấm áp, chào đón. Gạch hoa không được chào đón cho lắm trong nội thất Công nghiệp.

Lựa chọn được ưa chuộng hơn là sàn bê tông, nó kết hợp tự nhiên với vẻ ngoài dang dở của phong cách này. Bạn có thể chọn cho mình nhiều màu sắc cho sàn bê tông. Bên cạnh đó, sàn gỗ cũng là một lựa chọn không tồi cho phong cách thiết kế nội thất này.

Các đặc trưng của nội thất trong phong cách Công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp là một phong cách thiết kế tương đối rẻ vì trần nhà thường được để trần. Cột bê tông, dầm thép và đầm, cũng như các đường ống thông gió không những không được che đi mà còn được nhấn mạnh. Trần thường được sơn màu đen để tạo độ sâu hoặc hoặc bí ẩn, cảm giác như khi nhìn lên bầu trời đêm vậy.

Cửa sổ theo phong cách Retro là một cặp bài trùng với phong cách thiết kế này. Trong thời kỳ công nghiệp trước đây, cửa sổ thường làm bằng thép và có nhiều khung nhỏ và thường được thiết kế với kích cỡ cửa sổ lớn để hứng được nhiều ánh sáng.

Nội thất Công nghiệp cũng chú trọng vào không gian. Đó là lý do tại sao những căn hộ kiểu loft là một hình mẫu lý tưởng, từ đó, bạn có thể tùy ý chia nhỏ không gian bằng bình phong gỗ hoặc tủ.

Ghế da thường rất phù hợp với phong cách này, cùng lúc đây cũng là một chất liệu tốt. Tuy nhiên cần lưu ý không nên sử dụng những màu đậm hoặc quá chói. Màu xám, trầm là những lựa chọn hợp lý hơn.

Đồ nội thất có thể hơi cũ kỹ và hao mòn một chút, chính sự sần sùi và cũ kỹ chính là điểm nhấn đặc biệt cho nội thất theo phong cách Công nghiệp.

Ví dụ như một chiếc bàn cà phê làm bằng gỗ pallet cũ hoặc tủ đựng đồ kim loại cổ điển đã tróc sơn thì việc sử dụng lại đồ nội thất cũ là một ý tưởng tuyệt hay để trang trí ngôi nhà theo phong cách Công nghiệp.

Trong loại nhà này, các chi tiết trang trí thường được giảm xuống tới mức tối thiểu. Cây cối, khung tranh, đồ lưu niệm… không xuất hiện nhiều. Thay vào đó là phương châm: “Càng ít càng nhiều” gần giống như một phong cách thiết kế khác mang tên Minimalist Style Phong cách Tối giản mà nếu có cơ hội, chắc chắn Vietlanders sẽ giới thiệu tới các bạn đọc.

Các kiến trúc sư theo lối phong cách Công nghiệp thường thiết kế một căn phòng hai tầng (duplex), được kết nối bằng cầu thang thép đơn giản thay vì những cầu thang bằng gỗ sang trọng, tay vịn cầu thang cũng vô cùng đơn giản và góc cạnh.

Xu Hướng 2019

Phong cách Công nghiệp là một trong những phong cách thiết kế nội thất đang làm mưa làm gió trong cộng đồng thiết kế trong những khoảng thời gian trở lại đây, mong rằng với những bài viết và kiến thức của mình, Vietlanders có thể giúp các bạn tìm và xây dựng một mái ấm hoàn hảo nhất.

Hãy chú ý theo dõi những bài viết tiếp theo của chúng mình nhé!

- Vietlanders

Share This