U  H  Ư  Ớ  N  G  2  0  1  9

Phong cách Đông Dương

       Việt Nam chúng ta luôn luôn tự hào với một nền văn hóa lâu đời cùng những đặc trưng kiến trúc rất riêng mà nhiều quốc gia phải ngưỡng mộ. Song hành cùng vẻ đẹp Á Đông ấy là sự du nhập, cách tân từ những nền văn hóa khác mà điển hình là kho tàng kiến trúc Đông Dương mà người Pháp đã để lại qua năm tháng. Hôm nay, một lần nữa, hãy cùng Vietlanders ngược về quá khứ để tìm hiểu về những phong cách vô cùng đặc biệt này nhé!

Lịch sử ra đời

      Trải qua hơn 100 năm kể từ khi người Pháp đặt chân đến “miền đất hứa”, sự giao hòa của hai luồng văn hóa Đông – Tây tưởng chừng như khác biệt như trời và đất, lại hòa quyện cùng nhau để cùng tạo ra một phong cách nghệ thuật đặc biệt mang những dấu ấn và nét văn hóa rất riêng mang tên Phong cách Đông Dương.

      Bắt đầu từ những năm 1880 vào thời kỳ tiền thuộc địa, người Pháp vào Đông Dương khai phá đã mang tới phong cách kiến trúc phương Tây bản địa của mình. Khi đó họ nhận ra rằng khí hậu ở nơi đây, đặc biệt là Việt Nam rất khắc nghiệt, nên bản thân kiến trúc sẽ phải thay đổi để thích nghi với điều kiện không còn thuận lợi, khác với chính quốc.

      Từ đó, kiến trúc Tiền thuộc địa ra đời, là tiền thân của kiến trúc Đông Dương sau này. Hòa nhập giữa những công nghệ tiên tiến Phương Tây thời bấy giờ, với một nền văn hóa Phương Đông có bề dày lịch sử lâu đời là điều tất yếu cần thực hiện. Sự pha trộn ấy đã mang tới phong cách Indochine – kiến trúc Đông Dương như chúng ta đã biết, được thực hiện ngay từ những công trình đầu tiên khi người Pháp tiến hành quy hoạch, cải cách đô thị Việt Nam từ những năm 1920.

      Người tiên phong đi đầu trong phong cách kiến trúc này không ai khác đó chính là kiến trúc sư Ernest Hébrard. Trước khi trở thành Giám đốc sở quy hoạch kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp, Ernest Hébrard là giáo sư của trường Mỹ thuật Đông Dương, một viên chức cao cấp được chính phủ Pháp đưa sang để phụ trách công việc quy hoạch và kiến trúc của ba nước Đông Dương.

      Ông gọi nó là “phong cách kiến trúc Đông Dương” (style indochinois). Thực chất đây là một phong cách chiết trung Âu – Á, trong đó không chỉ có chi tiết kiến trúc của ba nước Đông Dương mà có cả chi tiết kiến trúc Trung Quốc. Ông đã sử dụng thành công phong cách này theo những lối đi rất sáng tạo và đã để lại những công trình có giá trị nghệ thuật trường tồn với thời gian.

      Có thể nói, sự du nhập kiến trúc này đã góp phần tôn vinh nghệ thuật kiến trúc dân tộc, mặc dù nó còn nhiều điểm chiết trung, pha trộn bởi lẽ vốn dĩ người Pháp vốn không sành với nền kiến trúc cổ điển Việt Nam lâu đời, nhưng nó đã phần nào trở thành nguồn động lực để khích lệ các kiến trúc sư Việt Nam, sinh viên của trường Mỹ thuật Đông Dương tiếp tục đi theo con đường nghệ thuật dân tộc.

Vài nét về phong cách Đông Dương

      Phong cách Đông Dương là 1 xu hướng thiết kế thể hiện được vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam. Bởi, nó phù hợp với phong cách sống, phong tục tập quán, văn hóa, quan niệm mỹ thuật, cảnh quan và khí hậu của người Việt.

      Ở những thập niên đầu của thế kỷ 20, khi người Pháp có những kế hoạch lớn để xây dựng và phát triển các nước thuộc địa, Đông Dương là một trong số đó. Những công trình lớn được xây dựng với phong cách kiến trúc Đông Dương, tuy nhiên ở trong giai đoạn này, nội thất phong cách Đông Dương chưa thực sự nổi bật. Các món đồ nội thất thường được sử dụng có thể được mang ở các quốc gia Châu Âu về, nếu sản xuất ở Việt Nam thì lúc đó cũng chưa được định hình một cách cụ thể khi ảnh hưởng chính bởi sự phô trương bề thế của tầng lớp Phong kiến.

      Những thiết kế mang phong cách Đông Dương thường giản đơn, tinh tế nhưng gần gũi. Tình cảm cộng đồng, yêu thương gia đình, hay vẻ đẹp của thiên nhiên là niềm cảm hứng cho nhiều mẫu thiết kế như vậy. Thiết kế không gian tổng thể và sản xuất may đo từng sản phẩm để đạt được sự tinh tế cao nhất cũng là một điểm nhấn trong phong cách Đông Dương.

      Các công trình mang phong cách Đông Dương trải qua một thời gian dài luôn giữ được vẻ đẹp và giá trị riêng khi so sánh với các công trình mang phong cách hiện đại khác nhau được xây dựng ở Việt Nam. Đặc biệt, những công trình mang hơi thở Đông Dương luôn tinh tế và sắc nét hơn.

      Phong cách Đông Dương hòa trộn giữa bản sắc của Việt Nam và phong cách Tân Cổ điển của Pháp. Sự kết hợp tinh tế và đặc sắc giữa 2 nên văn hóa Đông – Tây khác biệt tạo nên một phong cách mới với quan điểm mỹ thuật, thể hiện được tinh hoa, bản sắc và bề dày lịch sử.

      Ở đây, phong cách Pháp được nhiệt đới hóa bởi bản sắc bản địa, khí hậu, nghệ thuật trang trí tinh xảo ở các kiến trúc cổ, sản phẩm mỹ nghệ và hình thành 1 sự gặp gỡ, pha trộn tinh tế.

      Nội thất mang phong cách Đông Dương có những đặc điểm và dấu ấn riêng. Ngoài vấn đề thẩm mỹ, còn đáp ứng và phù hợp với tập quán sinh hoạt và khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm ở Việt Nam: Từ cách sử dụng màu sắc, các sử dụng vật liệu, hình dáng các trang thiết bị,… Trong khi đó nội thất truyền thống Việt Nam đơn giản mộc mạc, các trang bị chính chỉ phục vụ nhu cầu thiết thực: Giường, phản thay thế cho bàn ghế, chõng.

        Hiện nay phong cách Đông Dương chọn lọc những chi tiết trang trí thể hiện đậm chất truyền thống Việt cổ, đơn giản và tinh tế, dễ dàng ứng dụng trong thực tế mà không khiến không gian trở nên nặng nề. Đồng thời, các kiến trúc sư khi ứng dụng phong cách này đã khéo léo kết hợp với những tiện nghi hiện đại để phù hợp với phong cách sống hiện nay, đem lại sự thoải mái và tiện ích cho người sử dụng.

Nội thất trong phong cách Đông Dương

1. Màu sắc      

       Các kiến trúc sư thường sử dụng tone màu trung tính như: vàng nhạt, vàng kem, trắng để tạo cảm giác mát mẻ phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam. Không gian nội thất là sự kết hợp của tone màu trung tính và màu sắc của gỗ, đồ mây tre gợi được chất Á Đông. Bên cạnh đó, một số không gian cũng sử dụng các màu sắc nhiệt đới ấm, nóng tạo ấn tượng mạnh như: Màu đỏ, màu tím, màu vàng cam…

2. Vật liệu  

      Gỗ: Với những tính chất như: mềm, bền, chắc, gỗ tạo được cảm giác sang trọng và được ưa chuộng. Gỗ là vật liệu chính trong các công trình: hệ khung kết cấu và console của mái, hệ thống cửa, lát sàn và trần nhà, trang thiết bị, chi tiết trang trí, tượng tròn, phù điêu…

       Tre: Tre có khả năng chống mối mọt, dẻo, độ bền cao. Trong phong cách Đông Dương, tre được sử dụng làm trang thiết bị, đồ trang trí, những tấm vách ngăn… vì dễ tạo những hình mềm mại và đẹp mắt.

      Gạch bông, gạch nung: Thường được sử dụng để lát nền, tạo nên vẻ sang trọng, sự ấn tượng và đầy tính nghệ thuật cho công trình. Đây là một nét đặc trưng riêng của phong cách Đông Dương trong nội thất.

3. Hoa văn họa tiết

      Yếu tố mỹ thuật truyền thống Việt Nam được thể hiện rõ trong các hoa văn, họa tiết và tạo ra những đặc trưng riêng của phong cách Đông Dương.

Hoa văn họa tiết được thể hiện từ thời Đông Sơn với những đường nét kỷ hà đơn giản cách điệu từ hoa lá, cách thể hiện tỉ mỉ và chi tiết đến thời An Nam, hoa văn họa tiết được tổng hợp lại và cách điệu lại từ những hình ảnh khác: hình kỷ hà, hình chữ nhật, hình cây, hình hoa lá, hình tĩnh vật… với đường nét cách thể hiện tinh tế hơn.

Những hoa văn này được ứng dụng để xử lý các chi tiết sàn, tường, trần, các vách ngăn, vật dụng trang trí, thiết bị nội thất, đem lại giá trị nghệ thuật cao.

Họa tiết Kỷ Hà: Họa tiết mắc lưới hình thoi, dài ngắn khác nhau, cạnh thẳng hơi cong nhẹ, họa tiết mắc lưới lục giác giống vảy trên mai rùa. Họa tiết mắc lưới không đều. Họa tiết mắc lưới tam giác, có hình chữ nhân… được sử dụng trong các đồ vật trang trí một cách hài hòa.

Họa tiết hình chữ nhật: Họa tiết gồm các chữ Hán: Phúc, Lộc, Thọ, Hỷ, được cách điệu đơn giản, liền nét theo đường kỷ hà, đan xen chồng lớp, nằm gọn trong một ô vuông hoặc tự do theo nét.

Họa tiết hoa lá, dây lá, quả: Họa tiết là biểu tượng 4 mùa “Tứ quý” gồm: Tùng, cúc, trúc, mai, sen.

Họa tiết hình thú: Họa tiết cách điệu từ những con vật theo quan niệm của người Việt cổ đem lại những điều may mắn, tốt lành. Họa tiết hình thú không đứng riêng rẽ mà kết hợp với những họa tiết kỷ hà, hồi văn, hình chữ. Họa tiết tứ linh: Long, lân, quy, phượng, họa tiết hình dơi, cá, cọp, sư tử…

Sự kết hợp của tinh túy ngàn năm giữa hai nền kiến trúc

       Ngày nay, chúng ta vẫn gặp phong cách Đông Dương trên những con phố, góc nhà của Phố cổ, Hội An hay Huế. Nó vẫn giữ được những dấu ấn riêng, mang trong mình vẻ thanh lịch và xưa cũ mà tiện dụng, giản đơn mê đắm người dùng. Kiến trúc Đông Dương chính là dư âm cổ kính, sâu đậm nhất cho những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc. Giá trị văn hóa và kiến trúc nó mang lại luôn nắm một vị trí đặc biệt trong thời hiện đại, trong lòng của mỗi người dân Việt Nam.

Phong cách Công nghiệp – Industrial Style

Với chủ đề mới Xu hướng 2019, Vietlanders đem tới những thông tin mới và chọn lọc nhất về các xu hướng thiết kế nội thất cũng như kiến trúc chắc chắn sẽ không bao giờ hết hot, đặc biệt là trong năm 2019 này, nổi bật như phong cách Tân cổ điển hoặc bấm ngay vào link dưới đây để tìm hiểu ngay về phong cách Công nghiệp – Industrial Style ngay thôi nào!

Share This